Vào một ngày giữa tháng 3-2015, Bộ CHQS tỉnh nhận được thông tin từ Ban CHQS huyện Nghĩa Hưng: ở vị trí trên sông Đáy, địa phận đội 16, xã Nghĩa Sơn, nhân dân địa phương đã phát hiện 1 quả bom chưa nổ cần khắc phục ngay vì rất dễ gây mất an toàn cho nhân dân xung quanh bởi đây là khu vực có nhiều người, phương tiện thủy lưu thông qua lại. Ngay sau khi nhận được thông tin báo cáo, Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo Ban CHQS huyện Nghĩa Hưng tổ chức đánh dấu vị trí, cắm biển báo và cử cơ quan chuyên môn xuống "thực địa" ngay hiện trường. Đây là quả bom phá MK-81 có trọng lượng gần 500 bảng Anh tồn sót sau chiến tranh. Mặc dù điều kiện thời tiết không thuận lợi, mưa nhiều, độ ẩm cao, quả bom đã bị gỉ sét nếu không cẩn thận rất dễ gây mất an toàn. Bằng những biện pháp nghiệp vụ chính xác, lực lượng Công binh (Bộ CHQS tỉnh) đã sử dụng thuốc nổ kích nổ quả bom theo đúng quy trình kỹ thuật, bảo đảm tuyệt đối an toàn về người, vũ khí trang bị. Đây không phải lần đầu lực lượng Công binh tiến hành xử lý những quả bom mìn còn sót lại sau chiến tranh mà trong những năm qua, lực lượng này đã xử lý hàng trăm quả đạn pháo, đạn cối và bom mìn các loại... góp phần bảo đảm an toàn, thuận lợi để nhân dân trên địa bàn yên tâm sinh sống.
Bộ đội Công binh (Bộ CHQS tỉnh) huấn luyện rà, phá bom mìn.
Xác định công tác rà, phá, xử lý bom mìn còn sót lại sau chiến tranh là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình nên trong những năm qua, Bộ CHQS tỉnh đã thường xuyên quan tâm và nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn kỹ thuật và khả năng xử lý các tình huống đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lực lượng Công binh. Trong đó đã chú trọng công tác huấn luyện chuyên sâu kỹ năng chuyên môn, nâng cao kiến thức về tính năng, cấu tạo, nguyên lý hoạt động của các loại bom, mìn, đồng thời sử dụng thành thạo các trang thiết bị dò tìm. Ngoài huấn luyện các nội dung, kiến thức về kỹ thuật rà, phá, xử lý bom mìn, lực lượng Công binh còn thường xuyên được giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện bản lĩnh, khả năng xử lý các tình huống thông qua các bài tập cụ thể với những mô hình học cụ, các bãi vật cản, vật liệu nổ được bố trí sát với thực tế với những nội dung luyện tập như trên thực địa. Thông qua huấn luyện, cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công binh thuần thục kỹ năng thao tác về dò, gỡ, xử lý bom mìn, đảm bảo an toàn cũng như sử dụng thành thạo các trang thiết bị kỹ thuật hỗ trợ góp phần nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và khả năng xử lý các tình huống khi có yêu cầu. Để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có yêu cầu, lực lượng Công binh thường xuyên quan tâm, tăng cường công tác kiểm tra, công tác bảo vệ kho tàng, khí tài; duy trì bảo quản vũ khí trang bị kỹ thuật thường xuyên theo chế độ quy định, không để xảy ra mất an toàn đối với kho tàng và các loại vũ khí trang bị Công binh. Hằng năm, Bộ CHQS tỉnh đều cử cán bộ Công binh tham gia các lớp tập huấn chuyên ngành rà phá bom mìn do Binh chủng Công binh tổ chức để nâng cao trình độ, cập nhật về cách xử lý các loại bom, mìn cũng như kỹ năng khai thác, sử dụng các trang thiết bị mới. Bên cạnh đó, Bộ CHQS tỉnh chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, các lực lượng tham gia khắc phục hậu quả bom, mìn sót sau chiến tranh, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân.
Với việc quan tâm nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, diễn tập và đầu tư, bảo đảm trang thiết bị kỹ thuật của Bộ CHQS tỉnh, trong những năm qua, lực lượng Công binh đã luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong hơn 2 năm qua, lực lượng Công binh đã phối hợp xử lý an toàn 1 quả mìn tự tạo thời Pháp tại xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc); 3 quả bom phá loại 500 bảng Anh của Mỹ tại các huyện: Mỹ Lộc, Giao Thủy và Nghĩa Hưng; đã tổ chức thu hồi và xử lý an toàn 2 lựu đạn chày thời Pháp, 1 quả lựu đạn dứa, 2 quả đạn cối 81 tại phường Trần Đăng Ninh (TP Nam Định); đồng thời tham gia dò mìn phục vụ cho nhiệm vụ bắn pháo hoa đêm Giao thừa tại các điểm trên địa bàn thành phố bảo đảm an toàn. Quá trình rà phá, xử lý bom mìn luôn đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và trang bị kỹ thuật, không xảy ra sự cố đáng tiếc, đã góp phần khắc phục hậu quả sau chiến tranh, tạo điều kiện an toàn, thuận lợi cho nhân dân yên tâm sinh sống, lao động sản xuất, phục vụ hiệu quả cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương./.
Trích nguồn: Báo Nam Định Bài và ảnh: Thu Thủy